Văn chương đương đại

Giọt nước mát lành trong “Những bông dành dành đất” của nữ thi sĩ Hà Ngọc

Hà Ngọc tên thật là Nguyễn Thị Thu Hương, SN 28/11/1993, Quê quán: Âu Lâu, Trấn Yên, Yên Bái. Nữ sĩ là cử nhân Đại học, chuyên ngành Tài Chính – Ngân Hàng.

Giải thưởng:

Giải B cuộc thi thơ trên tạp chí Văn Nghệ Yên Bái.
Giải 3 cuộc thi thơ trên Diễn đàn Văn học trẻ Việt Nam.

Hiện làm việc trong Hãng hàng không Bamboo Airways.

Tác phẩm đã xuất bản:
  + Những Bông Dành Dành Đất ( Thơ, NXB HNV 2019)
   + Dế gọi mùa yêu (Tản văn, NXB HNV 2020)
Và một số ấn phẩm in chung khác

Năm 2019 Hà Ngọc xuất bản tập thơ đầu tay “Những bông dành dành đất” do NXB Hội Nhà Văn ấn bản. Toàn bộ thi tuyển này toát lên một vẻ đẹp thanh khiết của một hồn thơ trong veo như những giọt nước mát lành giữa núi rừng Tây Bắc – hoang sơ và kỳ vĩ. 

Văn chương đương đại xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Tạ Duy Anh về thi tuyển này:

***

Lời thơ em gieo mới tròn một nửa

Du ca đêm đã gõ cửa kia rồi.

 

Nghe có mùi vị của một tuyên ngôn, dù tôi phải nói ngay, tuyên ngôn, tuyên bố to tát, ồn ào là những từ tuyệt đối xa lạ trong tập thơ mà bạn sắp đọc. Một thiếu nữ xinh đẹp làm thơ, có gì đó rất đáng nghi ngờ. Mà lại là thơ tình? Mà lại rất nhiều nỗi buồn. Buồn đến mức có những chiều thi sĩ đem câu thơ sàng sảy giữa đông, chỉ để nghe mình thổn thức. Thế mà đó là chuyện thật. Ta khó mà không tò mò muốn biết giữa cuộc đời tác giả với những vần thơ, có liên hệ gì với nhau? Bởi nếu chỉ buồn không thôi, thì đâu chả thấy. Đời là bể khổ kia mà. Nhưng buồn trong văn vắt, như nước suối đầu nguồn, lại hồn hậu, hồn nhiên, thì hiếm.

 

Anh à

Em vừa nhận ra anh đã kịp quên câu thề gài

nơi bậu cửa chiều kia

Mặt nước dềnh loang chưa nuốt hết những

dấu chân ký ức

Trăng vẫn giữ vết thương con cò nhỏ đêm nao

say tình mổ phải trong hư thực

Anh quên rồi.

 

Cũng là nói về nỗi đau bị lừa dối (có thể đã ở mức phản bội nghiêm trọng), nhưng Hà Ngọc có cách nói riêng, nhẹ mà thấm, cứ như chỉ là chút trách móc, hờn dỗi nhẹ nhàng, nhưng còn hơn cả cứa đứt thịt da:

 

Sao anh nói xuân đã sang rồi

Khi cả đến thu em cũng chỉ tin là mới vừa gõ cửa

Sao anh để mùa đông trôi vào cơn ngủ

Toạc rách giấc mơ em.

 

Chỉ với một khổ thơ, mà đủ gói lại một câu chuyện tình với cái kết thúc tan vỡ không thể thê thảm hơn. Hà Ngọc luôn có những câu thơ cứ như vì run rẩy mà để buột ra khi chưa kịp tu sửa cắt gọt gì, nhưng lại cứ gợi đến vẻ đẹp của một chỉnh thể không cần phải thêm bớt, thêm gì vào cũng là thừa, mà bớt đi tí chút thôi thì lại thiếu:

 

Mùa qua phố lâu rồi, chắc là anh cũng biết

Chỉ còn phố không mùa héo úa những bước chân.

 

Đẹp và buồn, và da diết yêu thương. Thương mình, thương cả người vô tình, thương cả mùa qua phố không được kẻ si tình níu giữ.

Hoặc khổ thơ sau:

Buổi tối đi ngang qua tôi

Cộng thành đêm dài mất ngủ

Sơ ý, người đi qua tôi

Cộng đau tàng rêu ngày cũ

Cứ như tác giả đang nói chuyện với ai đó khi gặp ngang đường, tiện thể than thở đôi điều mà chẳng định nhằm vào ai. Với tôi, thơ có nhiều loại, nhiều tạng. Có loại thơ phải vừa đọc, vừa lắng nghe những âm thanh dội lại, để tìm sự cộng hưởng; có loại chạm vào chữ là tê tái, là ướt đẫm nỗi buồn, chỉ muốn quên đi kiếp sống này; có loại cứ như nước suối, như không khí thấm nhẹ qua từng lớp mỏng tâm hồn, lọc ra những gì thánh thiện nhất để lưu giữ. Với loại thơ này, sự bí ẩn không từ câu chữ, không từ kết cấu, nhịp điệu, thậm chí ngay cả vần điệu cũng phần nhiều là vỏ. Ẩn chứa bên trong đôi khi chỉ là một khoảng trống không, một cảm giác tinh khôi, một ám ảnh mơ hồ nhưng cứ bám riết lấy tâm trí người đọc. Tôi thấy thơ của Hà Ngọc gần với loại cuối cùng này.

Đây là lần đầu tiên tôi đọc trọn vẹn một tập thơ của nữ tác giả còn rất trẻ này. Ấn tượng của tôi là thơ cô không dễ nảy ra những câu, những khổ (dùng cho việc trích dẫn), vì làm thế là phá vỡ mất một liên kết vô hình nhưng không vô tình của mỗi bài thơ. Cứ phải đọc trọn vẹn cả bài, mới cảm nhận được thứ gì đó mà nó tạo ra. Thứ gì đó chỉ từng người mới gọi được tên.

Khi gửi nhờ tôi biên tập, Hà Ngọc dặn: “Lúc nào thật yên tĩnh, thì chú hãy đọc thơ của cháu”. Có lẽ Hà Ngọc ngại nói thêm rằng, phải thế mới nghe được tiếng nước suối trong veo giữa rừng. Giờ thì tôi khuyên bạn khi nào muốn tìm sự yên tĩnh, khi nào thấy lòng mình thèm khát yêu thương và được yêu thương, thì hãy nhẩn nha đọc thơ của cô sơn nữ này, như nhấp từng ngụm nước mát lành./.

***

Bài viết giới thiệu thi tuyển “ Những bông dành dành đất” của nhà văn Tạ Duy Anh


Back to list