Văn chương đương đại

Đến với bài thơ hay: “Cho con nằm lại” của Trương Nam Chi

nhà thơ Trương Nam Chi

(Trong ảnh: nhà thơ Trương Nam Chi)

Thơ hay ngoài cái tứ còn ở cái tình. Sự giao thoa, hòa quện giữa hai nhân tố bí ẩn này trong một bài thơ sẽ làm nên sức nặng và nâng tầm tác phẩm lên một nấc thang mới. “Cho con nằm lại” –  một bài lục bát của nhà thơ Trương Nam Chi thuộc trường sáng tạo trên:

CHO CON NẰM LẠI*

 Con xin nằm lại nơi này
rừng hoang vu vẫn đong đầy tiếng chim
nhớ thương con mẹ ngóng tìm
ngày con xa mẹ nỗi niềm đầy vơi

Sáng nay vách núi lưng trời
bỗng con chim khách mách lời sóc nâu
xương mùn hóa đất đã lâu
đời con nào tính nông sâu, ngắn dài?

Con xin gói lại hình hài
gởi vào mưa nắng những ngày xa quê
gởi vào bụi duối, bờ tre
gió khuya đơn chiếc vỗ về hồn con

Mai kia đồng đội có còn
nhớ về con vắt cơm tròn vốc tay
mẹ ơi con chọn chốn này
bởi nay xương cốt biếc dày lá xanh!

Trước hết ta hãy bàn về tứ thơ trong tác phẩm này. Điều quan trọng tiên quyết tạo nên nét đặc sắc ở đây chính là nghệ thuật hóa thân (metamorphosis): Bằng trí tưởng phong phú, bằng lòng tri ân và cảm thương sâu nặng với những người lính đã ngã xuống cho cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của dân tộc, những câu thơ thật xúc động nghẹn ngào đã bật lên tự sâu thẳm cõi lòng của nhà thơ đến từ xứ Thanh:

Con xin nằm lại nơi này
rừng hoang vu vẫn đong đầy tiếng chim

Tiếng chim “đong đầy” giữa cảnh núi rừng hoang vu kéo ta về một không gian thanh tịnh – nơi người lính đang yên nghỉ. Những hình ảnh bình dị, thân thương của đời thường được chọn lọc tinh tế đã gợi lên đa chiều suy cảm trong lời tự sự của chính nhân vật trữ tình. Lời thơ trầm lắng, tha thiết như lời thủ thỉ, tâm tình của người con dành cho mẹ. Nó như một sự vỗ về an ủi để mẹ yên lòng. Nhưng lòng mẹ nào có nguôi yên, mẹ vẫn “đầy vơi” nỗi thương con dằng dặc, rộng dài theo tháng năm:

nhớ thương con mẹ ngóng tìm
ngày con xa mẹ nỗi niềm đầy vơi

Người thì đã trở về với cát bụi, nhưng hồn vẫn còn đau đáu với quê hương cội nguồn. Sự hi sinh cao cả của người lính không chỉ được thể hiện bằng hành động anh dũng khi còn sống mà điều đó còn được thể hiện ngay cả khi đã mất:

xương mùn hóa đất đã lâu
đời con nào tính nông sâu, ngắn dài?

Một sự hi sinh không hề do dự. Một thái độ bình thản ngay cả khi chỉ còn là nấm “ xương mùn”. Điều ấy thật cao cả và vĩ đại biết bao! Viết về sự hi sinh của người lính khi còn sống thì rất nhiều cây bút đã khai thác dưới góc nhìn đa chiều, đa diện. Nhưng viết về sự hi sinh của người lính ngay cả khi đã mất thì có lẽ Trương Nam Chi là một trong những người viết có chiều sâu:

Con xin gói lại hình hài
gởi vào mưa nắng những ngày xa quê
gởi vào bụi duối, bờ tre
gió khuya đơn chiếc vỗ về hồn con

Vẫn là lời tự sự chân tình, xúc động đến trào nước mắt của người con nói với người mẹ đang đi tìm mộ con mình. Người con ấy xin được tự gói mình lại để bay về quãng trời ấu thơ với “mưa nắng”, “bờ tre, bụi duối” để lòng mình được ấp iu vỗ về trong tình quê và tình mẹ ấm áp. Về mặt ý thức luận, khổ thơ này thể hiện rất rõ thiên tính cao cả của chủ thể thẩm mỹ.

Đến đây, hẳn ta sẽ băn khoăn tự hỏi: Tại sao nhà thơ lại để nhân vật trữ tình phát ngôn xuyên suốt tác phẩm như vậy? Tâm điểm chính là ở đây! Hãy lắng lòng mình lại và đọc một mạch bài thơ lần nữa. Ta sẽ thấy: Có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt làm liền mạch, kết nối các khổ thơ với nhau thành một thể thống nhất không thể tách rời. Điều này thể hiện cách cấu trúc (structure) chặt chẽ tạo nên siêu cấu tứ của thi phẩm này. Đây là cách viết nhằm làm nổi bật lên tấm lòng của người con (người lính đã hi sinh): Người con đang dùng tất cả những lý lẽ và biện chứng (dialectical) để giúp người mẹ an lòng; nguôi ngoai đi nỗi xót thương, mất mát… Đó là góc nhìn mới mẻ và đặc biệt của tác giả về chiến tranh và sự hàn gắn vết thương chiến tranh. Ở khía cạnh phương pháp luận (methodology) đó là một giải pháp (solution) mang tính đột phá đầy nhân bản tính. Nó hướng con người đến tư duy tích cực (positive thinking) để vơi đi những gánh nặng tâm lý đang bị đè nặng bởi những vết thương âm ỉ nhức nhối bao nhiêu năm trời đằng đẵng của một kiếp người.

Khổ thơ cuối là một lời khái quát mang tầm tư tưởng với chiều kích cao rộng:

Mai kia đồng đội có còn
nhớ về con vắt cơm tròn vốc tay

Mẹ ơi con chọn chốn này

Bởi nay xương cốt biếc dày lá xanh

 Người lính đã hóa thành núi rừng, thành quê hương: “xương cốt” đã thấm vào từng thớ diệp lục của mỗi chiếc lá “biếc dày”. Đó là sự kết thúc mà cũng là sự khởi nguyên . Đó là sự hi sinh mà cũng là sự cộng sinh. Ý niệm của khổ thơ hướng về ánh sáng và màu xanh gợi cho người đọc những trường suy cảm mới !

Có thể nói “Cho con nằm lại” là một bài thơ viết về sự hàn gắn vết thương chiến tranh đậm chất nhân văn bằng lòng cảm thương sâu nặng. Thi phẩm dùng nghệ thuật hóa thân (metamorphosis) độc đáo đã làm nên phong cách riêng biệt cho thể thơ lục bát vốn là thế mạnh của nhà thơ Trương Nam Chi.

                                                                                                           (Sài Gòn, cuối tháng 12/2019)

Tác giả: Lê Hòa

* Tác phẩm trong chùm thơ đoạt giải thưởng Tạp chí VNQĐ 2015- 2016 của nhà thơ Trương Nam Chi – Hội viên hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh

 

author-avatar

About Lê Hoà

Đã xuất bản: Hát ru bầu trời ( Tập thơ - NXB HNV 2015)
Sắp xuất bản: Tổ quốc chát mặn mồ hôi (tập thơ), Trong cơn khát của mặt trời ( tập thơ lục bát).

Back to list

Related Posts