(Đôi điều khi đọc “Thức cùng tưởng tượng” – tập thơ của Nguyễn Thị Kim Nhung – NXB Hội Nhà Văn 2019
Nếu đọc được một câu thơ hay như được thưởng thức một món ngon thì “Thức cùng tưởng tượng” với Nguyễn Thị Kim Nhung, bạn sẽ được thưởng thức cả một mâm cỗ đầy.
Từ mùa thu năm ngoái đến năm nay, tôi cứ dè sẻn (như cái cách một đứa trẻ dè sẻn miếng bánh ngon mà mẹ vừa đi chợ mua về) mãi không dám “nhấm nháp” hết tập thơ này. Đọc và suy cảm. Đọc và tưởng tượng. Đọc và thưởng thức. Đọc đi rồi đọc lại. Vì đôi khi, tôi sợ mình chưa thấm hết cái hay, cái đẹp của những thi ngôn và thi ảnh trong thế giới thi ca của Nhung.
Chưa bao giờ đọc sách mà tôi phải gấp lại nhiều trang đến như vậy. Bởi, những trang đó đều chứa những trường đoạn, cặp câu, từ ngữ… hay nói đúng hơn là những huyền ngôn mà tôi yêu thích.
Ở thi tuyển này, tôi đặc biệt thích những mảng màu đa diện của nỗi nhân sinh chị gửi gắm với bốn chương đoạn rõ rệt: Cha bảo con gái trung du phải biết ăn rau đắng; Giấc mơ là cây cầu gỗ mục; Hay chúng mình đi vắng trong nhau; Cỏ xanh không cần tưởng tượng.
Đến với nửa đầu thi tuyển, ta bắt gặp những gam ký ức trong trẻo, thanh sơ mà cũng đầy dứt day, ám ảnh. Giọt trầm ký ức có lẽ đã được chị tinh chế trong nhiều năm, qua nhiều suy cảm và suy tưởng để chưng cất ra những “chai mật ngọt” trong thơ. Tôi thích cái cách chị cần mẫn gom nhặt những gì là tinh túy của đất trời trung du vào trong thi ca. Bởi, nó hoang hoải và cô đơn. Nó đắng đau và chiêm nghiệm. Nó thăm thẳm và đắm say. Nó suy tư và trằn trọc. Và, hơn hết nó là một phần đời rất thật của chị, cũng là của tôi, của chúng ta:
Người có chờ ta trở lại
xóm núi buồn hắt bóng xuống mùa thu
Lời hẹn cũ tàn trong xa lắc
rơi qua năm tháng xạc xào
đồi vắng chân người chặt củi
cây chồi còn nhắc vết dao…
(Gửi về xóm núi)
Cái “vết dao” sắc lẹm, chém một nhát vào hồi ức, khơi dậy cả một vùng trung du ngọt ngào và cay đắng, nhưng không kém phần thi vị. Không chỉ có vậy, ẩn sau đó lại là cả một triết lý khác nữa. Một triết lý thấm đẫm chất hiện sinh, khơi thông mạch nguồn tri thức. Về mặt phương pháp luận (methodology), đây là cách lập ngôn thông minh (intelligent), ngắn gọn (short) và sắc sảo (sharp) của con gái Trung Du.
Hoặc:
Cha trở về sau cuộc đỏ đen
anh dắt em qua bờ đê mòn lở
bóng tối xiêu vẹo
ngày tựa vào đêm
thao thức
Ấu thơ rộc rạc
bữa cơm rau đắng em quay đi
anh dẫm nát những trưa nắng đổ
con cá rô giãy giụa dỗi hờn
cánh đồng ngủ trưa
cựa mình nói nhảm
Không là mảnh vườn trù mật
đồi bạch đàn thao thức đêm mưa
những bóng cọ xập xòa hồi cố
ngôi sao nào nhờ nhạt trên cao
(Trung du)
Đó không chỉ là thơ. Đó không chỉ là ký ức, mà đó còn là những vết “cày ải” trong hồn người và đời sống. Nhung viết về những đau đắng, khổ ải nhưng không quá bi lụy đau thương. Câu thơ vẫn hướng sáng. Tôi thích nhân sinh quan này của chị.
Rời xa trung du về phố, những gam màu sống động hơn, quật quã hơn lại được thể hiện trong thơ Nhung ở một hàm ngôn khác. Vẫn là câu chuyện, vẫn là đời thường của một người thiếu phụ trằn trọc trong đêm trường hoai hoải với bao cật vấn nội tâm. Nhưng ở đây những niềm nỗi lại được giãi bày ở một trường suy cảm mới.
Hình ảnh chiếc “ổ khóa” và “lời ru của bầy mọt” trong “Đêm thiếu phụ” là một minh chứng cho điều này:
Khu tập thể toàn người đơn lẻ
họ thay nhau canh giữ âm u
không ai nghe nước tràn qua bể…
Những ổ khóa thời gian đánh vẹt
mở ra khuôn ngực hư vô
không chạm tới một đêm thiếu phụ
Những thớ gỗ tin lời ru bầy mọt
ta tin người tuổi trẻ đốt trên môi
càng cháy bỏng càng nhanh tàn lụi
…
Người tầng cuối về trong đêm muộn
gặp giấc mơ mảnh dẻ vờn lên
trong tiếng mớ của người thiếu phụ
(Đêm thiếu phụ)
Có những bức bách; có những âm u; có những khát khao muốn cựa mình bung phá. Thế nhưng rồi, đành phải nén kìm trong tĩnh lặng. Tất cả, tất cả đã được giãi bày bằng những thi ngôn lạ và đẹp, xa mà gần, hanh hao nhưng vẫn ấm áp tình người. Biết bao thân phận; biết bao nhân sinh; biết bao câu chuyện đầy ẩn mật hàm chứa sau những “đêm thiếu phụ” ấy.
Ở thơ Nhung ta còn bắt gặp cái sự ghét, sự yêu cũng rất “tưởng tượng”. Nó không rành mạch mà cũng không quá hàm ngôn, đánh đáo câu chữ đến mức khó hiểu. Nó xa xăm, chấp chới, hư ảo nhưng vẫn si mê lòng người:
Người yêu người bằng tưởng tưởng
vui buồn như trẻ đi xa
chiều ngưng nơi phiến lá
…
Ta dìu nhau vào im lặng
bỏ mặc lá đỏ sóc nâu
trà vừa rót xong đã nguội
lấy gì đằng đãi môi khô…
(Ở phố nhà binh)
Hay:
Tuổi hai ba rã rục tình đầu
neo nẻo nào cho niềm tin cuồng khấu
có người như những vì sao
chỉ ngắm thôi không thể chạm vào
(Tuổi hai ba)
Nếu ai đã đi qua những đớn đau lịm ngọt của mối tình đầu hẳn sẽ rất thích cái “niềm tin cuồng khấu” trong đoạn thơ trên.
Cái hay của nữ sĩ không chỉ được thể hiện trong cách lập ngôn mà còn ở cách lập tứ nữa:
Tháp rùa lạnh hơn trăng
nước là nỗi buồn thuở trước
không ai chạm vào vẫn lênh loang
Người ngồi phía ngàn ngọn lửa
ta thấy nước thuở hỗn mang
trước cơn giông buổi chiều ấy rất vàng
chen vào giữa một người đi chệnh choạng…
(Cho những lặng im)
Tôi thích đắm mình trong không gian của bài thơ này. Vì nó dẫn dụ ta vào một thế giới khác. Một thế giới của trí tưởng và tâm tưởng. Nó gợi nhiều hơn là cắt nghĩa và kiến giải. Nó tạo ra một sự mênh mông của những trường suy cảm mới.
Đọc thơ Nguyễn Thị Kim Nhung, cho ta cái cảm giác nhẩn nha trong từng câu chữ. Ta có được cái sự thích thú của kẻ cưỡi con ngựa trắng dưới trăng mờ để nhấm nháp chút sương đêm trong trẻo, ngọt ngào: Thơ mà! Không có gì phải vội!
Ở nửa sau của “Thức cùng tưởng tượng”, ta sẽ bắt gặp thơ Nhung có một sự chiêm nghiệm và trải nghiệm với bề dày suy tưởng ở một tầm cao khác:
Không tin mình là đất
xù xì lầm lẫn đa mang
nỗi buồn trồi lên óng ả
Đã xa chuyện của bếp
lửa chập chờn vẽ mãi vào đêm
đừng cời thức lặng im cát cứ
lên ngôi từ thuở tro tàn
Bóng một người mất ngủ
ngồi canh giữ giấc mơ
lầm lẫn từ đây ẩn khuất
ai tin lời tĩnh vật
giữa ồn ã bán mua?…
(Gốm)
Là “gốm” đấy nhưng lại không phải gốm. Là “giấc mơ” nhưng có phải mơ đâu. Là “lửa” nhưng chưa có gì chắc chắn đó là lửa. Những câu thơ cứ chập chờn hư ảo, nhưng chưa hẳn đã rơi vào hư ảo!
Cuối cùng trong bài viết hạn hẹp này, tôi xin mượn lời của nhà thơ Rasun Gamzatovich Gamzatov (Dagestan) để kết lại những gì tôi cảm nhận về thi tuyển đầu tay này của nữ thi nhân Đất Tổ: “Thơ vừa là chỗ nghỉ ngơi, vừa là việc đầy lao lực/ Thơ vừa là chỗ dừng chân, vừa là cuộc hành trình”. Thật vậy, được “dừng chân” trong hành trình “Thức cùng tưởng tượng” của Kim Nhung là một may mắn của tôi. Bởi bao nhiêu tâm huyết, tài năng và sự nhọc nhằn con chữ đã được nhà thơ gửi gắm hết vào trong tuyển tập này, để mang đến cho người đọc một mâm cỗ đầy đặn và sang trọng. Tôi yêu không gian thi ca mà bạn dày công kiến tạo bằng những huyền ngôn réo rắt ấy.
Nếu bước vào hành trình thơ của Nguyễn Thị Kim Nhung, hẳn bạn sẽ có những cảm nhận mới, đầy thương mến còn hơn cả tôi nữa! Xin chúc mừng Nhung. Chúc cho những hành trình phía trước trên con đường thi ca của bạn sẽ rực rỡ với những thành tựu mới.
***
(Sài Gòn, mùa nắng tháng 10/2020)
LÊ HÒA.