Văn chương đương đại

Hậu Cốc Ngang – Và khế ước tâm hồn

Tôi biết Hậu Cốc Ngang chưa lâu, chủ yếu là được đọc hai tập thơ “Sau dấu chân mình” và “Lục bát hai mùa”. Mới rồi, ông cho ra tập thơ thứ tư có tựa đề “Góp xanh cho lá” nhưng lại sử dụng bút danh Hậu Cốc Ngang có nghĩa là chàng Hậu ở làng Cốc Ngang – Quê cha đất tổ của ông. Và, đó cũng là nơi để lại trong lòng ông những kỷ niệm sâu nặng không bao giờ quên.

Chúng mình níu cỏ mà xanh

Lớn cùng cây lúa, vại sành, rạ rơm

Cùng vui với cá trong nơm

Với cua bờ ruộng, đó đơm tép đồng.                                                                          (Hai con cù)

Có thể nói tuổi thơ của Hậu Cốc Ngang lấm láp không có gì khác biệt so với những đứa trẻ nông thôn cùng trang lứa. Ở đây, ông được đắm mình trong không gian bất tận của ruộng đồng. Ông được tận hưởng cái không khí rạo rực hương lúa thì con gái, được tận hưởng bát cơm đầu mùa và được cuộn tròn trong chiếc ổ rơm vào mùa rét mướt. Cũng ở làng quê, ông được chơi những trò chơi dân gian như chơi ô ăn quan, rồng rắn lên mây, chí chí chành chành, đánh cù (con quay)… mà tuổi thơ ở thành thị không bao giờ có được. Điều đáng nói, những vật dụng dùng để chơi là những hòn sỏi, cây que được chế tác, gia cố mà không bao giờ phải mất tiền mua, chỉ cần có người chơi và một khoảnh sân rộng. Điều thú vị là hầu hết những trò chơi ấy bao giờ cũng có một bài hát đi kèm. Tất cả, tất cả những điều tưởng như đơn giản ấy lại trở thành những giá trị mà thiếu nó chưa chắc đã thành người bình thường được. Tình bạn, tính tập thể của ông được hình thành từ những trò chơi như thế.

Con quay, con bổ…tít mù

Thắng thua cũng chẳng biết bù cho ai.                                                                       (Hai con cù)

Hoặc:

Ước về quê kiếm nụ cười

Bỏ quên từ thủa chín mười ngây thơ

Lập lòe đom đóm trong mơ

Tìm cây súng phốc ngẩn ngơ đêm dài.                                                                                               (Hoa xoan)

Cuộc sống ngây thơ của trẻ em vùng quê là như vậy. Đến ngay cả giấc mơ của chúng cũng chỉ là những trò chơi giản dị, thường tình. Đọc đoạn thơ này của Hậu Cốc Ngang người ta dễ dàng chia sẻ, đồng cảm với ông về những kỷ niệm thời ấu thơ của trẻ em nghèo. Từng là một cậu bé lam lũ, trong sáng ở quê nên Hậu Cốc Ngang luôn đau đáu với những đứa trẻ từ nông thôn ra thành phố kiếm ăn – Những đứa trẻ ra đời cách ông cả nửa thế kỷ. Dù còn ít tuổi nhưng chúng đã phải lo toan cuộc sống cho mình và cho cả người khác. Trước những hiện thực này, ông đã nấc lên một cách nghẹn ngào giống như con thú phải xa đàn, lìa tổ vậy:

Lang thang góc chợ vỉa hè

Gió sương gửi mẹ ngoài quê nặng dần

Đêm nghe gà gáy xa gần

Thèm tay mẹ vỗ mỗi lần ốm đau

(Em bé đánh giầy)

Giống như nhiều chàng trai thời loạn, Hậu Cốc Ngang nhận được giấy mời của chiến tranh vào đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước. Ông đến sống chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên và trở thành thương binh tại chiến trường này. Là người lính chiến đấu, nhưng ông ít làm thơ trực diện về chiến tranh mà dùng chiến tranh như là một cái cớ để kể về những nỗi đau, mất mát của người lính mà không có cách gì hàn gắn được:

Oằn lưng dưới vực trên đèo

Anh không rũ nổi cái nghèo khỏi vai

Sinh con chẳng rõ hình hài

Câu ca dao nấc nghẹn hoài lời ru

Chị cười đôi mắt âm u

Nâng niu núm ruột ngây ngô góc giường…                                                               (Thăm bạn)

Quê gốc ở Hưng Yên nhưng được sinh ra ở Hà Nội, nên Hậu Cốc Ngang vừa có cái tinh tế, sẽ sàng của dân thành thị, vừa có cái chân chất, lam lũ, quý người của dân nông thôn. Tuy vậy cái dưỡng chất nông thôn lại có phần trội hơn, đủ sức lôi cuốn tâm hồn ông về với ruộng đồng. Có thể vì vậy mà ông vẫn không bị cái chất thị thành lấn át, làm phai nhạt cốt cách của người miền quê. Ông cảm nhận được một cách sâu sắc nỗi vất vả, mong manh của người dân ở xứ sở này:

Lưng chưa ngả, đêm đã tàn

Vốc ngày lên, khó nhọc tràn kẽ tay

Mùa đi theo nước vơi đầy

Vẹo lưng bạc ánh trăng gầy ngoài sân

(Mẹ tôi – Con gái đồng chiêm);

Thương em sấp ngửa trên đồng

Cha lo chắn sóng che giông cho mùa

Ai buồn đất mặn phèn chua

Còn cha thì lại được thua với trời.                                                                  (Hương lúa)

Có thể nói những bài thơ hay nhất trong tập “Góp xanh cho lá” của Hậu Cốc Ngang chính là những bài thơ ông viết về mẹ, về đồng đội và những người đàn bà nông thôn. Ở đây, người đàn bà nông thôn trong thơ của ông không sống dựa vào ai, bấu víu vào ai ngoài bản thân mình. Họ tự chống chọi với bão táp của số phận, gánh chịu cả một thời bão giông nhằm tạo dựng cuộc sống.

“Bợt tay cào muối giữa trời

Chắt chiu lắm, chỉ vừa nồi cơm con

Buồn vui phận muối mỏi mòn

Khi tươi tắn, lúc héo héo hon ngậm ngùi”

(Hoa biển)

Hoặc:

“Đêm bì bõm gánh nông sâu

Áo cơm đè xuống nỗi đau nổi chìm”

( Đàn bà gánh biển)

Đọc tập thơ “Góp xanh cho lá” của Hậu Cốc Ngang, tôi có cảm giác như giữa ông và quê hương đã từng ký thác với nhau một bản khế ước từ những kiếp trước mà đến kiếp này ông mới thực hiện được. Thơ ông càng lúc càng đằm. Càng viết càng hay. Nó hay không chỉ ở cách sử dụng ngôn từ mà chính là tấm lòng chân thực sâu sắc trong con người Thơ của ông.

 

MẸ TÔI CON GÁI ĐỒNG CHIÊM

 

Mẹ tôi con gái đồng chiêm

Dáng nghiêng đòn gánh móng liền lệch vai

Mạ lo sương muối ngắn dài

Đồng còn trắng nỗi giêng hai cơ hàn

 

Lưng chưa ngả,đêm đã tàn

Vốc ngày lên, khó nhọc tràn kẽ tay

Mùa đi theo nước vơi đầy

Vẹo lưng bạc ánh trăng gầy ngoài sân

 

Đất thương gót nẻ chai sần

Màu theo mẹ, níu cổ chân óng vàng

Chiêm mùa cháy ruột cháy gan

Lúa chưa bén rễ, rét khan buốt trời

 

Đêm tháng năm, ngày tháng mười

Lúa mong được ấm hơi người mà xanh!

Mẹ tôi cười nụ hiền lành:

Chưa sôi nước mắt chưa thành nhà nông.

 

 

CHIẾC BA LÔ CÓC

 

 

Không biết đã bao lần chị lộn ngược chiếc ba lô

Sờ những lỗ thủng thấu mấy lần vải bạt

Mảnh đạn phạt chéo xuyên túi cóc

Cái ác bị chặn bởi xấp thư nhà

Những bức thư chị viết nhòe nước mắt

Chỗ đứt đoạn khi con giật mình thức giấc

Chữ xô nghiêng trên trang giấy không dòng

Con chữ rạo rực,con chữ nhớ mong

Lúc khắc khoải,lúc cồn lên như sóng

Những con chữ khát khao sự sống

Hứng mảnh đạn thù để bảo vệ anh

 

Chiếc ba lô hừng hực tuổi xanh

Chị cẩn thận cất từ khi anh trở về với chị

Nâng niu mỗi lần mang giặt

Nắng thơm ấp vào lồng ngực

Như ngày nào chạy vào buồng ấp lá thư của anh

 

Đợi trái tim mình lắng dịu

Rồi lập cập bóc lá thư ra đọc

Nước mắt buồn vui hoen má ửng hồng

 

Ba lô giặt lại cho chồng

Thơm về sâu thẳm nỗi lòng chị xa .

 

 

GÓP XANH CHO LÁ

 

 

Bầy chim xa tổ thấm buồn

Không bơi thì cá còn nguồn nào vui ?

Ngoài kia mưa gió sụt sùi

Trong này đàn kiến ngậm ngùi hành quân

Biết đường phía trước gian truân

Nhưng vì ở đó mùa xuân đang chờ

Con tim muôn thủơ dại khờ

Kiến ơi kiến có mộng mơ như người ?

Có đau khổ có khóc cười

Có lo san sẻ năm mười cho nhau

Lá tìm nắng ướp xanh màu

Dẫu đời lá hiểu mùa sau úa tàn

Đất trời còn hợp còn tan

Bão giông qua, lại mây ngàn trắng bay

Sao tình không phát quang say

Góp phần cho lá ủ đầy sắc xanh.

 

VĂN LÊ

(Chọn và giới thiệu)

Theo VNQĐ ( số 839) 2.2016

Back to list

Related Posts