NÓI VỚI VỢ
Hai làn mây trắng kề nhau
Bỏ phiền muộn lại phía sau hành trình
Trong từng sợi bạc của mình
Có bao nỗi khổ vô tình từ anh
Muốn tìm được tháng ngày xanh
Đền cho em vị ngọt lành tình yêu
Em ơi sao đoạn đường chiều
Chúng mình mới biết thương nhiều đến nhau?!
(Nguyễn Đức Hậu)
“Nói với vợ” của Nguyễn Đức Hậu không phải hay bởi kỹ xảo ngôn từ mà là hay bởi cái tình rất thật của người viết. Tiếng nói ngọt ngào, rất đỗi dịu dàng đi ra từ trái tim yêu nhân hậu, chân tình gặp trang giấy tượng hình bốn cặp lục bát mộc mạc, có sức lay động hồn người.
Hình ảnh hai làn mây trắng kề nhau mở đầu bài thơ là hình ảnh ẩn dụ – tượng trưng giàu sức gợi. Trong bóng xế chiều tà của cuộc đời, hai mái đầu bạc chụm vào nhau, bỏ phiền muộn lại phía sau hành trình. Hình ảnh Mây trắng là sự phù du của kiếp người? Sau cuối cuộc đời của mỗi con người là gì nếu không phải là hư vô, như mây trắng trên trời kia, nhẹ tênh, mong manh, vô định? Vậy thì tại sao không “quẳng gánh lo đi”, ngay từ bây giờ, mà vui sống, mà tìm đến sự thanh thản của tâm hồn, mà tranh thủ ban cho nhau hơi ấm, tiếp sức, nâng dìu nhau trên chặng cuối của cuộc hành trình?
Dịu dàng quá cái lối xưng hô mình – anh đậm phong vị ca dao! Chân thành quá cái sự ân hận, dẫu có muộn mằn! Sự vô tình từ anh từng gây nên bao nỗi khổ nơi mình, từng dự phần làm nên bao sợi bạc trên mái đầu của mình. Phải chăng đây chỉ là một cách nói khiêm nhường của một con người luôn ý thức được bổn phận và trách nhiệm đối với người mình yêu thương?
“Bắt đầu biết hối hận là bắt đầu một cuộc sống khác” (G. Eliot). Vào buổi xế chiều của cuộc đời, anh muốn tìm được tháng ngày xanh/ đền cho em vị ngọt lành tình yêu. Tác giả không viết muốn tìm lại mà viết muốn tìm được, nhằm nhấn mạnh cái ước muốn không thể thực hiện. Làm sao có thể tìm được thời gian khi nó một đi không trở lại? Thì thôi, vẫn còn đó hiện tại và tương lai, vẫn còn đó tình yêu của đôi ta. Anh sẽ dâng cả con tim dào dạt của mình cuốn xô đi bao vị đắng chát của nỗi phiền muộn, nỗi khổ trong em do sự vô tình từ anh gây ra bấy lâu.
Khép lại bài thơ lại là một câu hỏi, một lời cảm thán:
Em ơi sao đoạn đường chiều
Chúng mình mới biết thương nhiều đến nhau?!
Lối khép của bài thơ là lối khép – mở, giàu dư ba âm hưởng. Những lời dịu dàng của tác giả không chỉ nói với vợ mà còn nói với tất cả những ai sống vô tình. Đời là thế, “những mộng ảo của vinh hoa phú quý – cũng chỉ là vô nghĩa trước ngày mai”. Hãy xoa dịu cho nhau những nỗi khổ, những phiền muộn của cuộc đời bằng chính vị ngọt lành tình yêu. Hãy biết sống cho tình yêu, biết tận hưởng tình yêu – một đặc ân, một món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng để “cứu rỗi thế giới”.
Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa
(theo báo QĐND)